Bạn có thường hay phải vứt bỏ thực phẩm vì bị thối hỏng không? Chắc chắn đây là điều không ai muốn, và để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần phải trở thành những người nội trợ thông thái.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn bảo quản thực phẩm tươi lâu hơn. Bạn hãy tham khảo và áp dụng để trữ thực phẩm cho đúng cách tránh gây lãng phí đồ ăn và tiền bạc của mình nhé.
Mục Lục:
- 1. Quả mọng
- 2. Chuối
- 3. Bánh mỳ
- 4. Rau thơm hay rau gia vị
- 5. Trái bơ
- 6. Xà lách
- 7. Cà chua
- 8. Chanh và dưa hấu
- 9. Hành, tỏi, hẹ
- 10. Khoai tây
- 11. Phô mai
- 12. Sữa
- 13. Bơ
- 14. Mật ong
- 15. Trứng (gà, vịt)
- 16. Dầu Ôliu
- 17. Thịt
- 18. Đường nâu
- 19. Gia vị dạng bột có màu
- 20. Thực phẩm hấp thụ mùi (húng quế, cà phê)
- 21. Đồ ăn thừa
1. Quả mọng
Rửa trái cây với dung dịch giấm trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Dung dịch giấm được pha với tỷ lệ 1 phần giấm 10 phần nước sẽ giúp loại bỏ các bào tử nấm mốc gây bệnh ở quả chín, giữ quả tươi lâu hơn. Áp dụng cách này bạn có thể bảo quản quả mâm xôi tới 1 tuần và quả dâu tây tới 2 tuần.
2. Chuối
Hãy dùng ni-lông bọc kín phần cuống nải bởi bộ phận này sẽ sản sinh ra khí ethylene làm cho quả nhanh chín. Bạn cũng có thể tách rời và gói riêng từng quả để giữ chuối tươi lâu hơn.
3. Bánh mỳ
Eric Kayser, một thợ làm bánh ở Paris, khuyên bạn không nên để bánh mỳ trong tủ lạnh vì không khí trong tủ lạnh rất khô. Thay vào đó, bạn nên gói bánh bằng giấy hoặc khăn và bảo quản ở nơi khô ráo, việc đó sẽ giữ bánh được từ 2-4 ngày. Bạn không nên sử dụng đồ nhựa để gói vì sẽ làm bánh bị nhạt và dễ mốc hơn. Nếu muốn bánh mỳ tươi lâu hơn thì bạn nên để bánh vào tủ đá và khi mang sử dụng thì nướng lên.
4. Rau thơm hay rau gia vị
Bạn có thể bảo quản rau thơm giống như với những cành hoa – nhúng chúng trong nước. Buộc rau thơm thành bó và đặt vào một bình nước, sau đó chụp một túi ni-lông ở phía trên để giữ ẩm và đặt chúng vào tủ lạnh. Bạn hãy làm tương tự đối với măng tây.
5. Trái bơ
Đối với trái bơ, bạn hãy bảo quản ở nhiệt độ phòng cho tới khi trái chín và mềm, sau đó cho vào túi nhựa và bảo quản trong tủ lạnh từ 3 – 5 ngày. Đối với bơ đã cắt miếng, hãy giữ chúng trong bao bì nhựa để không bị oxy hóa (bị chuyển sang màu nâu). Đối với bơ đã dầm, sử dụng màng bọc thực phẩm dán kín và để trong tủ lạnh.
6. Xà lách
Bạn có thể dùng khăn giấy để thấm hút nước của lá xà lách rồi cho vào hộp hoặc túi thực phẩm kín để vào tủ lạnh, làm như vậy lá rau sẽ không bị khô.
7. Cà chua
Để cà chua trong túi hoặc hộp/thùng ở nơi mát mẻ (không phải tủ lạnh) cho đến khi chín, sau đó xếp chúng lên giá. Với cà chua chín, bạn có thể để vào tủ lạnh nhưng như vậy trái sẽ không được ngon vì không khí lạnh trong tủ ngăn quá trình làm chín cà chua nhưng lại phá vỡ phần màng tế bào làm cà chua bị mềm.
8. Chanh và dưa hấu
Đối với chanh và dưa hấu, bạn hãy để chúng lên giá/kệ ở nơi thoáng mát.
9. Hành, tỏi, hẹ
Nếu bạn để hành, tỏi, hẹ ở nơi mát, khô và tối như tủ chứa thức ăn, thì chúng có thể sử dụng được trong 2 tuần. Nhưng nếu để hành tỏi được lâu nhất có thể, bạn phải cho chúng vào túi lưới và treo lên. Việc lưu thông không khí sẽ giữ cho chúng tươi lâu, không bị mốc, và có thể để tới 6 tháng.
10. Khoai tây
Lưu trữ khoai tây cùng táo sẽ giúp khoai tây khỏi bị nẩy mầm. Tránh để khoai tây gần hành vì cả hai loại này đều giải phóng hơi ẩm và chất khí khiến cho cả hai nhanh hỏng hơn. Bạn cũng không nên để khoai tây trong tủ lạnh vì tinh bột trong đó sẽ chuyển hóa thành đường làm giảm mùi vị khi nấu.
11. Phô mai
Đối với phô mai, không khí để giữ chúng không bị hỏng, vậy nên bạn hãy dùng giấy da hoặc giấy sáp để bọc phô mai. Không nên dùng màng bọc nhựa hoặc thiếc để tránh làm phô mai bị khô.
12. Sữa
Không nên để sữa ở cánh tủ lạnh vì nhiệt độ ở khu vực này hay thay đổi, nó có thể khiến sữa nhanh bị hỏng. Thay vào đó, bạn hãy để chúng ở ngăn chứa giữa tủ lạnh.
13. Bơ
Đối với bơ, tủ đông bảo quản tốt hơn so với tủ lạnh. Dan Souza, đầu bếp và chuyên gia về khoa học thực phẩm của Test Kitchen Hoa Kỳ, khuyên bạn nên giữ phần bơ đang sử dụng ở tủ lạnh, phần còn lại bạn hãy để trong tủ đông.
14. Mật ong
Mật ong là hương vị ngọt hoàn hảo của tự nhiên. Do đó hãy bảo quản mật ở nhiệt độ phòng. Bạn không nên để mật ong trong tủ lạnh vì chúng sẽ bị kết đông.
15. Trứng (gà, vịt)
Bạn có thể bảo quản trứng ở ngoài hoặc ở trong tủ lạnh. Có thể dùng giấy báo bọc từng quả trước khi xếp trứng vào tủ, làm vậy trứng sẽ để được lâu hơn. Nếu bảo quản trứng ở ngoài, hãy để trứng vào bã chè khô hoặc trấu khô sạch, và để nơi mát mẻ.
16. Dầu Ôliu
Đối với dầu ôliu, bạn nên giữ ở nơi mát mẻ và tối cho tới khi dùng, không nên để trong tủ lạnh vì chúng sẽ bị đông.
17. Thịt
Tùy thuộc bạn dùng trong thời gian bao lâu mà chọn để thịt ở ngăn đá hay ngăn mát của tủ lạnh. Nếu để ở ngăn mát, bạn hãy lót một lớp giấy thấm phía dưới thịt để tránh nước thịt rỉ ra nhỏ hoặc dính vào đồ ăn khác. Tốt hơn là bạn nên đóng hộp hoặc bọc thịt lại. Cách này sẽ bảo quản thịt bò hoặc thịt lợn được một đến hai ngày trong ngăn mát và 3-4 tháng trong ngăn đá, còn gà có thể để được tới 9 tháng.
18. Đường nâu
Để giữ cho đường nâu (thường dùng làm bánh) khỏi bị vón cục, bạn hãy thêm một chút kẹo dẻo hoặc một miếng bánh mỳ vào túi/hộp đựng đường.
19. Gia vị dạng bột có màu
Hãy bảo quản các loại gia vị có màu đỏ như ớt bột trong tủ lạnh để giữ chúng tươi lâu hơn. Ánh sáng và nhiệt độ khiến các loại gia vị này mất đi màu sắc và hương vị.
20. Thực phẩm hấp thụ mùi (húng quế, cà phê)
Không để thực phẩm có mùi như cà phê, húng quế trong tủ lạnh, vì chúng sẽ hút mùi của các loại thực phẩm khác, bạn hãy để chúng trên giá, chạn. Húng quế cũng có thể được bảo quản trong nước như các loại rau thơm khác, ngoài ra, nếu chia thành từng bó nhỏ có thể làm tăng gấp đôi thời gian bảo quản.
21. Đồ ăn thừa
Với đồ ăn thừa, bạn hãy cất giữ đồ ăn thừa trong các hộp dựng thực phẩm và nhớ sử dụng trước khi chúng bị hỏng.
Một số lưu ý:
Trái cây, rau, thịt: chỉ nên thái chúng trước khi chế biến bởi không khí sẽ làm cho thực phẩm bị khô và nhanh hỏng hơn. Rau sau khi bị thái sẽ mất đi các chất dinh dưỡng hoặc các hợp chất có hoạt tính sinh học.
Hãy nhớ: không phải cái gì bị hết hạn thì có nghĩa là bạn phải vứt bỏ nó. Hạn sử dụng chỉ là một mốc thời gian để nhà sản xuất xem xét là thực phẩm còn tươi, nhưng thực tế chúng thường tươi lâu hơn.
Vệ sinh tủ lạnh định kỳ: giữ tủ lạnh sạch sẽ để ngăn ngừa nấm mốc và vi khuẩn phát triển. Bởi vậy, định kỳ từ 3-4 tháng vệ sinh tủ một lần. Bạn cũng không nên để quá nhiều đồ trong tủ lạnh vì thực phẩm cần không khí lưu thông để bảo quản được tốt hơn.