Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND thành phố về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Cụ thể, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố và các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức lực lượng, phương tiện, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn triệt để tình trạng buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và các hành vi gian lận thương mại khác.
Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng cần nhận diện các phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng lợi dụng để vi phạm và các thủ đoạn mới phát sinh, thường xuyên trao đổi, thông báo những kinh nghiệm, phương pháp đấu tranh có hiệu quả với các lực lượng chức năng khác nhằm nâng cao hiệu quả đối với công tác này.
Ban Chỉ đạo 389 thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng xác định rõ các mặt hàng, tuyến, địa bàn trọng điểm. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật rộng rãi đến các tố chức sản xuất, kinh doanh và người dân. Tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan báo chí. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đổi mới công tác tuyên truyền cả bề rộng và chiều sâu để xã hội nhận biết tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đặc biệt là đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thực thi công vụ của cán bộ, công chức theo thẩm quyền. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền liêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và xử lý theo quy định của pháp luật. Khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ban Chỉ đạo 389 thành phố cũng sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt là tăng mạnh chế tài xử phạt hành chính để răn đe, phòng ngừa vi phạm; sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới.
* Năm 2020, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội thực hiện rất quyết liệt. Đáng chú ý, trong năm 2020, các lực lượng chức năng đã tổ chức thanh, kiểm tra 35.877 vụ; xử lý hành chính 31.987 vụ (tăng 2,37% so với cùng kỳ năm 2019). Khởi tố 84 vụ đối với 114 đối tượng. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu gần 3.802 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thành phố tích cực trong trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các lực lượng chức năng như: Cục Quản lý thị trường, Công an thành phố, Cục Hải quan thành phố, Sở Y tế, Sở Tài chính đã kiểm tra 335 vụ; xử lý hành chính 270 vụ liên quan đến các mặt hàng khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phòng dịch… Tổng số tiền xử phạt là gần 2,8 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm gồm: 4.141.014 chiếc khẩu trang, 13.341 dung dịch rửa tay sát khuẩn, 4.551 sản phẩm dung dịch cồn các loại, 59.600 đôi găng tay y tế, 31 tấn găng tay y tế, 9.397 bộ quần áo phòng dịch, 185 chiếc kính bảo hộ y tế, 927 chiếc áo phẫu thuật, 605 chiếc thẻ đeo khử khuẩn, 847 chiếc nhiệt kế điện tử.
Mai Phương (t/h)