Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, số cơ sở thực phẩm rất lớn và ngày càng tăng (năm 2016 có 59.109 cơ sở, đến năm 2020 có 83.712 cơ sở), sản xuất thực phẩm của Thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. Công tác bảo đảm ATTP được các cấp ủy Đảng chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo quyết liệt cùng với sự tham gia, vào cuộc của các ban ngành đoàn thể.
Thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác ATTP giữa 3 Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế với Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất trong quản lý ATTP tại bếp ăn tập thể công nghiệp. Các ngành, các cấp phối hợp kiểm tra, giám sát công tác ATTP trên địa bàn. Thành phố đã triển khai đồng bộ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy phù hợp với thực tế tại địa phương.
Đồng thời đã tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm theo kế hoạch và đột xuất, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm. Từ năm 2016 đến nay, toàn Thành phố kiểm tra được 520.506 lượt cơ sở, phạt tiền 31.065 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 134,8 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện các thủ tục hành chính về ATTP bảo đảm đúng quy định, toàn Thành phố cấp mới được 18.405 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, 13.898 giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm thực phẩm, 1.703 giấy xác nhận nội dung quảng cáo, tiếp nhận 44.370 bản tự công bố sản phẩm thực phẩm.
Song song với công tác kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã lấy mẫu xét nghiệp thực phẩm an toàn. Kết quả xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh vật tại Labo đạt 16.783/17.780 (94,3%). Xét nghiệm nhanh đạt 877.236/937.762 mẫu (93,5%), trong đó xét nghiệm nhanh dụng cụ, tinh bột, nước sôi đạt 691.215/750.209 (92,1%); các xét nghiệm dấm, phẩm màu, hàn the, foocmon … đều đạt tỷ lệ trên 99%.
Hằng năm, kiện toàn 4 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, chủ động điều tra và xử lý kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn Thành phố, bảo đảm giám sát ATTP phục vụ các hội nghị, sự kiện lớn của Trung ương và Thành phố như kỳ họp Quốc hội thường kỳ, các sự kiện Chính trị khác trên địa bàn Thành phố với trên 50 nghìn suất ăn bảo đảm ATTP/năm. Giám sát ATTP phục vụ các Lễ hội đầu Xuân tại các quận, huyện như Mỹ Đức, Tây Hồ, Sơn Tây, Sóc Sơn…tổ chức 1 – 2 cuộc diễn tập phòng chống ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể trường học tại các quận, huyện, thị xã. Từ năm 2016 đến nay, số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng giảm và không có tử vong, tổng số trên địa bàn thành phố xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 371 người mắc, ngoài ra có 3 vụ ngộ độc methanol với 56 người mắc.
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo đảm ATTP, Thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về ATTP, đổi mới và đa dạng về hình thức phổ biến các văn bản mới, kiến thức về bảo đảm ATTP trên Website, tạp chí… đặc biệt tập trung tuyên truyền phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, Lễ hội đầu Xuân, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu… kịp thời phản ánh tình hình triển khai thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước; thông tin nhận biết thực phẩm an toàn, quy trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm an toàn, các điểm bán hàng an toàn để người dân biết, vận dụng trong cuộc sống hằng ngày đồng thời thông tin các địa chỉ các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, chế biến vi phạm ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, phòng tránh cũng như giám sát.
Từ năm 2016 đến nay, các cấp, các ngành chủ động phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng, báo, đài đã đưa tin 22.523 tin/bài/ảnh trên báo, đài, tạp chí, website ngành. Phổ biến kiến thức về ATTP cho cán bộ Ban chỉ đạo và mạng lưới ATTP với 2.432 buổi/131.943 người, phổ biến kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm 6.078 buổi/314.347 người… Qua các năm từ 2016 đến năm 2020, kiến thức, thái độ, thực hành của người lãnh đạo quản lý, người chế biến kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm tăng hơn so với năm trước.
Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác bảo đảm ATTP, thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về ATTP, duy trì và xây dựng tuyến phố ATTP có kiểm soát, kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người, mô hình cảnh báo nhanh về ATTP, quản lý ATTP đối với chợ dân sinh giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội, đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”, mô hình hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội, phát triển chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị…
Ngoài ra, bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, hình thành các chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm an toàn trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, thu hút nhiều doanh nghiệp và Hợp tác xã tham gia được giám sát thường xuyên về điều kiện ATTP tạo niềm tin cho người tiêu dùng…
Trong thời gian tới, UBND Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm ATTP, thực hiện tốt công tác chỉ đạo từ thành phố tới xã, phường, thị trấn cùng với sự tham gia, vào cuộc của các ban ngành đoàn thể; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp, đa dạng về nội dung phù hợp cho từng đối tượng để nâng cao kiến thức, thực hành của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trong bảo đảm ATTP; tăng cường công tác thanh kiểm tra về ATTP, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP, cung cấp thông tin các cơ sở đạt và không đạt về ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm không an toàn; triển khai tốt các chương trình, dự án, mô hình điểm về ATTP; phát triển hệ thống phân phối thực phẩm sạch, an toàn được sản xuất trên địa bàn; phát triển các vùng rau an toàn.
Bảo Linh