Thời điểm chớm đông, lẩu luôn là món ăn được các gia đình ưa chuộng. Thế nhưng, thay vì phải mất nhiều thời gian chọn mua đủ các loại gia vị, rau củ, xương,… về ninh nước dùng trong 2-3 giờ đồng hồ thì nay nhiều người lựa chọn mua gói cốt lẩu Trung Quốc để sử dụng.
Chị H. (Xuân La, Hà Nội) cho biết, chị từng mua gói cốt lẩu Tứ Xuyên về chế biến món lẩu cho gia đình, một gói có giá 55.000 đồng. Cách sử dụng rất đơn giản, chỉ cần đun với nước trong khoảng 15 phút là có nồi nước dùng đủ cho 4-5 người ăn. Thế nên, giờ ăn lẩu tương đối đơn giản, chỉ việc ra chợ mua các loại thịt, cá, rau,… về nhúng, không mất cả buổi chuẩn bị, ninh xương lỉnh kỉnh như trước.
Trên thị trường hiện có rất nhiều gói cốt lẩu. Như cốt lẩu Trung Quốc đã có mấy loại, giá dao động từ 55.000-80.000 đồng/gói. Gia đình chị thích ăn cay nên chị thường chọn cốt lẩu Tứ Xuyên, cốt lẩu Trùng Khánh, cốt lẩu Haidilao. Chị H. giải thích, đây là các loại lẩu đặc sản nổi tiếng của Trung Quốc. Chị mua về bỏ ngăn cấp đông tủ lạnh, cuối tuần cả gia đình làm nồi lẩu ăn, hợp với những ngày trời trở lạnh.
Được biết, các loại cốt lẩu Trung Quốc đang được rao bán tràn ngập trên các sàn thương mại điện tử cũng như “chợ mạng”. Dân buôn quảng cáo, nếu bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh có thể để được khoảng 2 tháng, còn trong ngăn cấp đông sẽ được 6 tháng cho tới 1 năm.
Cốt lẩu Trung Quốc có rất nhiều vị khác nhau như: cốt lẩu tiêu xanh, cà chua, lẩu nấm gà, lẩu siêu cay Tứ Xuyên, lẩu chua cay thập cẩm, cốt lẩu uyên ương, cốt lẩu trường thọ,… Giá những loại cốt lẩu này thường dao động từ 40.000 đến 140.000 đồng/gói tuỳ loại và tuỳ vào số lượng khách mua.
Chị H.M., một đầu mối bán các loại cốt lẩu Trung Quốc ở Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trời càng lạnh cốt lẩu càng đắt hàng. Đặc biệt, dịp này nhiều người hạn chế ra quán ăn lẩu vì lo ngại dịch bệnh nên cốt lẩu được nhiều người đặt mua hơn.
Theo chị, các loại cốt lẩu này khi nấu xong sẽ được đóng túi rồi cấp đông thành từng gói hoặc từng viên. Khi mua về có thể cắt ra cho vào nồi nước đun sôi làm nước dùng tuỳ vào số lượng người ăn lẩu ít hay nhiều. Có loại đóng túi chỉ 250 gram, đem chế thành nước dùng đủ làm lẩu cho 3-4 người ăn. Chị M. cho biết, cốt này người Trung Quốc làm bằng rất nhiều loại rau củ, gia vị khác nhau. Mình cũng có thể mua về tự làm, nhưng sẽ không đủ và chuẩn vị được như họ. Đây cũng là lý do nhiều người chọn mua cốt lẩu Trung Quốc.
Tương tự, chị K.Đ, đầu mối bán cốt lẩu ở Hà Đông (Hà Nội) thừa nhận, những ngày này khách ồ ạt đặt mua các loại cốt lẩu Trung Quốc. Chị cho hay, những cái tên như lẩu cay Tứ Xuyên, lẩu Trùng Khánh hay lẩu Haidilao,… ngày càng quen thuộc. Ở Hà Nội, rất nhiều hàng quán phục vụ những nồi lẩu Trung Quốc này. Cốt lẩu cũng được nhập về bán quanh năm. Song, dịp này hàng về nhiều, lượng khách đặt mua tăng mạnh.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm nhận định, cốt lẩu Trung Quốc không phải là hàng mới lạ, hiện được bày bán rất nhiều. Song, người mua cần cảnh giác, bởi đa phần mặt hàng này nhập về Việt Nam qua đường tiểu ngạch, bao bì đều là tiếng Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt. Thế nên, rất khó kiểm soát về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, bảo đảm VSATTP là công việc phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều lực lượng chức năng, nòng cốt là ngành y tế, công thương và chính quyền các địa phương. Việc kiểm tra, xử lý thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán ở các chợ thuộc trách nhiệm của ban quản lý chợ; tại các hàng quán nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn…
Về nguyên tắc, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác theo quy định không được phép lưu thông trên thị trường, buộc phải thu hồi để tiêu hủy. Các cơ sở buôn bán, sử dụng loại gia vị đó sẽ bị xử phạt vì vi phạm quy định về VSATTP theo Điều 15, Nghị định 45/NĐ-CP ngày 6/4/2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Diệu Hương (T/h)