Bánh trung thu “nhà làm” bán online sôi động
Vài năm gần đây, bánh trung thu “nhà làm” được người tiêu dùng sử dụng nhiều, nhà nhà đua nhau mua để thưởng thức thứ bánh mang thương hiệu “không công nghiệp” đúng nghĩa và giá cả lại phải chăng.
Không khó để dò tìm trên mạng xã hội những bài rao bán bánh trung thu “nhà làm”, với mẫu mã đa dạng, đẹp mắt thu hút người tiêu dùng và ưu điểm có thể sáng tạo thoả thích hình dáng, nhân bánh theo ý muốn, còn có thể điều chỉnh độ ngọt theo yêu cầu của người mua.
Bạn Hoàng Yến (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: “Vì là sinh viên nên mình thường chọn những chiếc bán trung thu handmade vừa phù hợp với túi tiền vừa có hình thù khá đẹp mắt và vị khá ngon nên mình rất thích”.
Khác với bánh truyền thống dùng khuôn đúc khá đơn điệu thì các loại bánh trung thu “nhà làm” phổ biến thường là bánh trung thu thạch trái cây, bánh hình thú, trung thu dẻo lạnh, trung thu ngàn lớp, bánh trung thu hoa nổi…
Bên cạnh đó nhân bánh trung thu cũng rất đa dạng: Nhân đậu đỏ, nhân trà xanh, nhân sầu riêng, vi cá, gà quay… chính sự mới mẻ và đa dạng này đã thu hút không ít người tiêu dùng.
Nắm vào tâm lý người tiêu dùng, một số cửa hàng kinh doanh online còn bán những nguyên liệu nhân bánh đã sơ chế, người tiêu dùng chỉ cần mua về và nặn hình bánh cho vào lò nướng là đã có thể có những chiếc bánh “nhà làm” chính hiệu.
Chất lượng liệu có như quảng cáo?
Những chiếc bánh “nhà làm” thường không có chất bảo quản, vậy nên hạn sử dụng thường rất ngắn. Nếu những chiếc bánh để được lâu thường phải sử dụng chất bảo quản.
Những trang bán hàng trên mạng vẫn vô tư quảng cáo và tự khẳng định chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng chất phụ gia, hương liệu, hay chất bảo quản…tuy nhiên để kiểm chứng cho những vấn đề trên thì chưa ai có thể xác thực?
Tại một số trang bán bánh online, nhiều khách hàng cũng đã gặp trường hợp “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Khách hàng đặt một đường, nhưng hàng giao thì một nẻo. Chất lượng bánh không đủ tiêu chuẩn, mẫu mã không như hình ảnh quảng cáo trên mạng.
Chị N. H (Ba Đình – Hà Nội) cho biết: “Nghe quảng cáo chất lượng đảm bảo, ngon và giá lại rẻ, tôi có đặt mua bánh trung thu handmade 2 hộp 12 cái về ăn thử, tuy nhiên lúc nhận hàng thực sự khác xa lời quảng cáo, hình dáng của bánh khá méo mó, các vị không đầy đủ cộng thêm nhân bánh không thơm và có mùi khó chịu”.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nay một số phụ liệu được bán ở các khu chợ chất lượng không được kiểm soát, đây là điều đáng lo ngại. “Nếu như người sản xuất sử dụng các loại màu thực phẩm được Bộ Y tế cho phép thì không sao, chỉ sợ trong trường hợp người ta sử dụng các loại màu không rõ nguồn gốc, không được cho phép thì sẽ rất nguy hiểm. Những người sản xuất bánh handmade không phải ai cũng nắm rõ được những quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, người tiêu dùng, không nên mua bánh trung thu handmade một cách tuỳ tiện. Khách hàng hiện nay nên mua bánh ở những người thân thiết, khi đã biết rõ được nguồn gốc của sản phẩm”.
Những chiếc bánh tưởng như vô hại, nhưng lại là tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Với những nguyên liệu không rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ, thiếu kiểm định của cơ quan chức năng, bên cạnh đó quá trình làm bánh tại nhà không đảm bảo chặt chẽ các quy trình an toàn thực phẩm, vô trùng…
Liên quan đến kiểm tra chất lượng, nguồn gốc bánh trung thu trong đợt Tết Trung thu sắp tới, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã đưa ra công văn yêu cầu đối với các đơn vị quản lý, “Chú ý kiểm tra các loại bánh trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh trung thu tự làm (handmade) không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ”, văn bản của Tổng cục Quản lý thị trường nêu rõ, đồng thời yêu cầu các Cục đẩy mạnh kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh như nhân bánh, mứt bí, hạt dưa, lạp xường, nước đường, mỡ, trứng muối… nhằm ngăn chặn việc nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng…