Ngày Tết là thời điểm mọi gia đình đều chuẩn bị nhiều loại thực phẩm để đảm bảo đủ đầy cho những bữa ăn sum vầy bên nhau. Tuy nhiên, để bảo quản thực phẩm tươi ngon và an toàn trong suốt kỳ nghỉ dài là một thách thức không nhỏ. Nếu không được bảo quản đúng cách, thực phẩm dễ bị hỏng, ảnh hưởng đến sức khỏe và gây lãng phí. Vì vậy, nắm được những bí quyết bảo quản thực phẩm hiệu quả sẽ giúp bạn tận hưởng trọn vẹn những ngày Tết mà không lo ngại về chất lượng thực phẩm.
Mục Lục:
1. Bảo quản thực phẩm tươi sống trong ngày Tết
1.1 Bảo quản rau củ
Để rau xanh tươi lâu, bạn cần loại bỏ lá bị sâu, dập, cắt bỏ rễ và rửa sạch trước khi cho vào túi thực phẩm. Buộc kín túi rồi đặt vào ngăn mát tủ lạnh. Với các loại củ quả, bạn nên giữ nguyên trạng thái và chỉ gọt vỏ, rửa sạch khi chế biến. Nếu đã bảo quản trong tủ lạnh trước đó, hãy tiếp tục bảo quản trong tủ lạnh sau khi mua về. Đối với rau củ không gọt vỏ, nên rửa bằng nước muối loãng hoặc nước rửa rau củ chuyên dụng để đảm bảo an toàn.
1.2 Bảo quản thịt và cá
Thực phẩm tươi sống như thịt và cá nên được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Trước khi cất, hãy rửa sạch, cắt miếng vừa ăn và cho vào hộp kín hoặc túi nilon buộc chặt. Khi cần sử dụng, rã đông hoàn toàn và nấu hết phần thực phẩm đã rã đông, tránh để thừa.
1.3 Bảo quản trái cây
Trái cây thì cũng rửa sạch, để ráo rồi cho vào túi buộc kín đưa vào ngăn mát. Với những loại trái cây có múi như cam, bưởi… bạn hãy dùng vôi quét lên đầu cuống để quả được tươi lâu.
Để dưa hấu được tươi lâu, không bị xốp, bạn hãy ngâm dưa trong nước muối 15% khoảng 30 phút. Sau đó vớt dưa ra, lau thật khô vào bảo quản nơi khô thoáng
2. Bảo quản thức ăn nấu chín trong ngày Tết
Thức ăn nấu chín:
Nếu cần bảo quản lâu, hãy để thức ăn nguội hoàn toàn trước khi đậy kín và cho vào tủ lạnh. Các món kho như thịt kho trứng vịt, cá lóc kho, măng hầm chân giò, hay canh khổ qua nhồi thịt chỉ nên nấu đủ cho 2–3 bữa, tránh hầm đi hầm lại nhiều lần để giữ hương vị và chất lượng.
Bánh chưng, bánh tét:
Sau khi nấu chín, hãy rửa sạch bánh bằng nước, sau đó ép bằng vật nặng để bánh được chặt hơn. Cất bánh ở nơi thoáng mát. Khi bánh cứng, bạn có thể luộc, chiên, hoặc hấp lại để làm mềm và thưởng thức.
Món chiên, quay:
Đặt các món chiên hoặc quay vào hộp lớn, đậy kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Khi dùng, chỉ lấy phần ăn đủ dùng, sau đó chiên lại hoặc quay bằng lò vi sóng để làm nóng.
Giò chả, nem chua:
Nếu không có tủ lạnh, giò chả và nem chua rất dễ hỏng. Nên lột bỏ lớp vỏ bên ngoài để tránh hiện tượng đổ mồ hôi, rồi bảo quản trong rổ có lỗ nhỏ, đặt ở nơi thoáng mát nhưng tránh gió lùa trực tiếp. Các món này nên ăn trong vòng 2 ngày; nếu chưa dùng hết, hãy luộc lại để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các thực phẩm nấu chín khác
- Không nên để rau xanh nấu chín vào tủ lạnh, vì hàm lượng nitrat trong rau sẽ chuyển hóa thành nitrit – chất gây ung thư – khi để quá lâu, ngay cả khi đun lại cũng không khử được. Do đó, không nên ăn rau đã để qua đêm.
- Thực phẩm nấu chín nên ăn ngay, không để ở nhiệt độ thường quá 2 giờ. Thức ăn dư nên đun nóng lại, để nguội rồi mới cho vào ngăn mát tủ lạnh. Đừng để thức ăn còn nóng vào tủ lạnh vì nhiệt độ thấp có thể gây ngưng tụ hơi nước, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển. Khi dùng, luôn nấu chín lại để đảm bảo an toàn.
- Lưu ý tủ lạnh cũng không phải là “chiếc tủ thần kỳ” để bảo quản đồ ăn. Tủ lạnh chỉ giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, không loại bỏ độc tố. Thức ăn trong tủ lạnh chỉ nên sử dụng một lần cho bữa tiếp theo và không để quá 5–6 giờ. Hãy chế biến lượng thức ăn vừa đủ để tránh dư thừa, giảm hao hụt dinh dưỡng khi đun lại
Hy vọng những thông tin antoanvesinhthucpham.vn vừa cũng cấp sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm trong việc bảo quản thực phẩm an toàn và hiệu quả trong những ngày Tết. Chúc bạn và gia đình có một mùa Tết an lành, ấm áp, cùng những bữa ăn ngon miệng và đầy đủ dinh dưỡng
Submit your review | |