Đây là lần đầu tiên EFSA chấp thuận một loại côn trùng làm thực phẩm và là một bước tiến lớn giúp côn trùng tìm được “chỗ đứng” trong thực đơn hằng ngày của con người.
Cụ thể, sau khi xem xét đề nghị chứng nhận an toàn của Công ty nuôi cấy côn trùng Micronutris (Pháp), EFSA xác nhận loài sâu bột vàng có đủ điều kiện an toàn để tiêu thụ cả ở dạng sấy khô nguyên con hoặc dạng bột.
Đây được xem là bước đầu để giới chức EU quyết định xem có cho phép bán mặt hàng này tại 27 nước trong khu vực hay không. Quyết định mới cũng đánh dấu quy trình đánh giá an toàn đối với một loại thực phẩm làm từ côn trùng đầu tiên mà EFSA hoàn thiện, trong bối cảnh cơ quan này hướng tới cấp phép cho ngành chế biến thực phẩm giàu protein.
Ông Ermolaos Ververis, thanh tra khoa học tại cơ quan dinh dưỡng NUTRI của EFSA cho biết động thái mới mở đường cho việc cấp phép trên toàn EU, tuy nhiên, việc đánh giá an toàn là bước quyết định và cần thiết liên quan đến quy định về loại thực phẩm này, cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của EU cơ sở khoa học để đưa ra quyết định và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Ngành nuôi cấy côn trùng châu Âu đã hoan nghênh quyết định trên, đồng thời bày tỏ hy vọng nhà chức trách sẽ cấp phép lưu hành thực phẩm từ sâu bột vàng trên thị trường khu vực vào giữa năm nay.
Đối với những người nông dân nuôi côn trùng, thông tin này là một cú hích cho công việc của họ khi các nhà phân tích dự báo ngành công nghiệp này sẽ tăng trưởng gấp 10 lần và vượt 4,1 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2025.
Côn trùng được biết đến là loài giàu protein và có tác động thấp đến môi trường. Các thành phần chính của côn trùng là protein, chất béo và chất xơ, tuy nhiên, EFSA cảnh báo rằng cần nghiên cứu thêm về khả năng gây dị ứng của chúng.
EFSA có trụ sở tại Italy. Cơ quan này hiện cũng đang xử lý các đơn xin chứng nhận khác đối với những loại thực phẩm từ côn trủng, dự kiến trong đó có dế và châu chấu.
Các thực phẩm từ côn trùng hiện đang được tiêu thụ rộng rãi, với khoảng 1.000 loài được sử dụng trong các bữa ăn của khoảng 2 tỷ người tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latin. Hiện loại sản phẩm này đã được một số nước EU cho phép tiêu thụ, nhưng chủ yếu vẫn được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Tại châu Âu, côn trùng vẫn chưa có tên trên thực đơn của người dân bởi các vấn đề tâm lý và văn hóa. Tuy vậy, với quyết định trên, ngành này kỳ vọng thị trường thực phẩm côn trùng ở châu Âu sẽ phát triển nhanh trong những năm tới, đến năm 2030 đạt sản lượng 260.000 tấn.
Bảo Linh