Kỳ nghỉ cuối năm là dịp tuyệt vời để sum họp, vui vẻ bên gia đình, bạn bè. Trong những ngày này, thói quen sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn, đa số người dân thường “ăn uống thả ga”, ăn uống thất thường, ăn không đúng bữa, không vận động cơ thể… dẫn đến một số bất lợi về sức khỏe.
Theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, những ngày Tết tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe nếu không biết cách duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt với những người mắc các bệnh mạn tính. Dịp Tết, mọi người có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, thời gian làm việc, lao động chân tay giảm, do đó tiêu hao năng lượng ít hơn so với ngày thường. Tuy nhiên, việc cung cấp năng luợng thì ngược lại.
Các loại thực phẩm đặc trưng trong Tết có năng lượng rất cao, các món ăn có xu hướng nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật từ thịt cá. Ngoài ra chế độ ăn ít rau xanh là thủ phạm gây tăng cân, gia tăng các bệnh mạn tính đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường…
Vậy để hòa mình trong không khí vui tươi ngày Tết, đảm bảo cho sức khỏe của bản thân và gia đình, những điều dưới đây sẽ giúp bạn giữ gìn sức khỏe thật tốt để hưởng một cái tết trọn vẹn.
Những lưu ý chung
Hạn chế rượu bia và nước uống có ga là một trong những lưu ý cần nhớ trong dịp Tết. Trong nước ngọt có nhiều đường nên khi cơ thể hấp thụ nhiều sẽ tạo thành mỡ thừa dẫn đến tăng cân. Mặt khác khi uống rượu bia, các độc tố sẽ bị giữ lại gan gây ảnh hưởng đến sự trao đổi chất ở cơ quan này. Việc uống quá nhiều sẽ làm gan bị tổn thương khiến chức năng thải độc của gan giảm sút gây ảnh hưởng xấu đến sự tiêu hóa của cơ thể. Vì vậy, hãy thay thế nước ngọt bằng các loại nước ép và nước lọc.
Ngoài ra, trong dịp Tết cần ăn nhiều rau xanh và trái cây. Đây là nguồn vitamin chính, chứa nhiều chất xơ, là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo trong những ngày Tết. Một người trưởng thành nên ăn ít nhất 5 suất rau và trái cây một ngày (mỗi suất tương đương 80 g) để giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim, đột quỵ, béo phì…
Không nên ngồi một chỗ quá lâu cũng là lưu ý trong dịp Tết. Thông thường, thời gian nghỉ Tết tụ tập bạn bè mở tiệc uống rượu, đánh bài, lên mạng và xem ti vi… trở thành các hoạt động giải trí chính của rất nhiều người. Nhưng ngồi nhiều một chỗ sẽ làm cho xương sống xơ cứng, ảnh hưởng đến việc cung cấp máu lên đầu của động mạch xương sống, phá hỏng đường cong sinh lý bình thường trong cơ thể và xuất hiện chứng còng lưng.
Đối với người cao tuổi
Người cao tuổi thường mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, tiêu hóa… vì vậy chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của người cao tuổi rất cần được chú ý, để bệnh không trở nặng sau những ngày vui Tết. Điều quan trọng nhất là người cao tuổi cần ăn uống đúng giờ, đủ chất và tuyệt đối không bỏ bữa.
Thạc sĩ dinh dưỡng Trương Nhật Khuê Tường, Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khuyến cáo người cao tuổi nên hạn chế các món chứa nhiều mỡ động vật và chất béo no (đồ nguội, thịt đông, lạp xưởng, bánh chưng, bánh tét…), hạn chế ăn muối và các món nhiều muối (các loại thịt ngâm, dưa muối, dưa món…), cũng như các loại bánh kẹo, đồ ngọt.
Hệ tiêu hóa của người cao tuổi cũng dễ bị ảnh hưởng nếu ăn quá nhiều, quá no. Vì vậy, người cao tuổi có thể chia thành nhiều bữa nhỏ thay vì ăn 3 bữa chính, ưu tiên những thức ăn mềm, dễ nhai, dễ tiêu, và bổ sung rau giúp việc tiêu hóa dễ dàng hơn khi ăn. Người cao tuổi lưu ý nên ăn chậm, nhai kỹ cũng như uống đủ 1,5 – 2l nước mỗi ngày (bao gồm nước lọc, nước canh, nước trái cây…).
Hệ tiêu hóa của người cao tuổi cũng dễ bị ảnh hưởng nếu ăn quá nhiều, quá no. Vì vậy, người cao tuổi có thể chia thành nhiều bữa nhỏ thay vì ăn 3 bữa chính, ưu tiên những thức ăn mềm, dễ nhai, dễ tiêu, và bổ sung rau giúp việc tiêu hóa dễ dàng hơn khi ăn. Người cao tuổi lưu ý nên ăn chậm, nhai kỹ cũng như uống đủ 1,5 – 2l nước mỗi ngày (bao gồm nước lọc, nước canh, nước trái cây…).
Đối với trẻ em
Những ngày Tết với nhiều hoạt động vui chơi kèm theo có thể khiến giờ giấc sinh hoạt của các bé bị thay đổi. Nhiều trẻ ham chơi nên thức khuya, dậy muộn, bỏ bữa hoặc chỉ ăn uống qua loa sẽ khiến trẻ thiếu chất, sụt cân.
Vào dịp Tết, các gia đình thường dự trữ nhiều thực phẩm, trong đó phải kể đến các loại bánh kẹo, đồ ngọt. Cho trẻ ăn quá nhiều chất ngọt sẽ khiến bé chán ăn, không cảm thấy đói và hứng thú với bữa ăn chính.
Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa của trẻ thường yếu hơn người lớn, thức ăn thừa hâm đi hâm lại nhiều lần hay để quá lâu ở nhiệt độ phòng cũng có thể làm cho bé bị rối loạn tiêu hóa, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Các món ăn ngày Tết thường ít rau, nhiều chất đạm và mỡ, cộng với giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn sẽ gây ra táo bón ở trẻ nhỏ.
Đối với thai phụ
Giờ giấc sinh hoạt vào các ngày Tết có thể bị ảnh hưởng bởi các cuộc vui, viếng thăm và tiệc tùng khiến đồng hồ sinh học bị xáo trộn ít nhiều. Thai phụ hãy cố gắng duy trì giờ giấc sinh hoạt, ăn đúng giờ, đúng bữa, ăn uống khoa học để giúp bé phát triển an toàn, khỏe mạnh.
Nhiều thai phụ nhân những ngày nghỉ sẽ tranh thủ dung nạp nhiều thực phẩm hơn ngày thường vì nghĩ rằng phải ăn cho cả mẹ lẫn con. Thực tế, thai nhi chỉ cần hấp thụ vừa đủ để phát triển. Việc ăn quá nhiều so với mức cần thiết sẽ gây ra những tác dụng phụ khác như béo phì, huyết áp cao, đái tháo đường thai kì…
Cũng theo Ths Khuê Tường, để đảm bảo sức khỏe trong dịp Tết, trước tiên thai phụ cần đảm bảo ăn bữa chính đúng giờ, mỗi bữa ăn cần có giá trị dinh dưỡng cao và đa dạng nhóm thực phẩm (tinh bột, đạm và rau củ). Bên cạnh đó, bà mẹ mang thai hãy uống nhiều nước lọc và hạn chế các loại nước có đường, bổ sung trái cây tươi để cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất.