Tìm quán, đặt món, nhận món mà chẳng thể “mắt thấy, tay sờ” đến quy trình chế biến của món, khách hàng vẫn thường có chút “lấn cấn” khi sử dụng dịch vụ giao thức ăn. Đặc biệt, tại những nơi mà hàng chục quán ăn tụ hội, hàng trăm shipper chực chờ như GrabKitchen, thực khách có thể đặt niềm tin về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vào ai?
Khi “những tên tuổi lớn” đảm bảo cho yếu tố “sạch”
Câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bao giờ “hết nóng” tại Việt Nam. Nền ẩm thực đa dạng và sự phát triển của thức ăn đường phố, các mô hình nhỏ lẻ, tự phát như quán cóc, xe hàng rong… đặt ra nhiều thách thức cho các nhà chức trách trong việc đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn về nguyên liệu, quy trình chế biến. Cốt lõi nhằm đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng, trong đó có cả trẻ nhỏ, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lớn tuổi…
Với những hàng quán nhỏ lẻ, các thực khách thường ôm tâm lý “giá rẻ, hợp khẩu vị là được”, yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm đã không còn là vấn đề trọng yếu. “Lâu lâu ăn một bữa cũng không sao”, “ngon, rẻ thì không bổ là phải rồi”… là những suy nghĩ phổ biến của nhiều người.
Những năm gần đây, khi đời sống người dân cải thiện, mảng F&B theo đó cũng thêm sôi động với sự xuất hiện của nhiều “ông lớn” – các chuỗi nhà hàng, quán ăn, thương hiệu nổi tiếng. Không cần tới những nhà hàng sang trọng của các khách sạn 5 sao mới cần có gian bếp sạch, quy trình chế biến kỹ lưỡng. Giờ đây, ngay cả những thương hiệu trà sữa, thức uống, thức ăn… theo chuỗi cũng khiến nhiều khách hàng bất ngờ với gian chế biến sạch từng ngóc ngách, nguyên liệu phân loại và bảo quản chu đáo theo từng khung giờ.
Ai đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở những “căn bếp chung”?
Mới đây, “căn bếp chung” GrabKitchen chính thức đi vào hoạt động tại quận Thủ Đức, TP HCM, vận hành bởi “ông lớn” Grab. Tuy nhiên, tại những “căn bếp chung” như thế này, liệu vấn đề VSATTP có trở nên càng phức tạp, khó kiểm soát? Bởi lúc này, sự đồng bộ về tiêu chuẩn VSATTP tại các quán ăn có mặt trong cùng một “căn bếp” là cần thiết, nếu không muốn xảy ra trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”.
Hiểu rõ sự phức tạp và cần thiết của vấn đề VSATTP, đặc biệt khi đây là yếu tố tiên quyết đảm bảo trải nghiệm và sức khỏe của khách đặt món, toàn bộ thiết kế, xây dựng của GrabKitchen đều tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn về VSATTP của cơ quan chức năng. Như một căn bếp ở nhà hàng thứ thiệt, tại đây đảm bảo các chức năng nấu nướng chế biến an toàn nhất bao gồm việc không gian rộng rãi cho việc chế biến thực phẩm, không ngập nước, có bể chứa mỡ, hệ thống xả thải tách biệt.
Mặt khác, các hàng quán muốn bước chân vào “ngôi nhà chung” sau khi vượt qua các tiêu chí tuyển chọn từ “ông lớn” mảng vận chuyển, thì còn phải hoàn thành đầy đủ các thủ tục cấp giấy phép VSATTP của cơ quan chức năng. Grab có quy trình kiểm soát giấy phép đầu vào, đồng thời sẽ thường xuyên có khảo sát thực tế để xác nhận tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các quán.
Chị Phương Mai – chủ thương hiệu cơm văn phòng Rio cho biết, chị cảm thấy việc thực hiện kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm là hoạt động cần thiết.
“Việc mỗi hàng quán đảm bảo các tiêu chí VSATTP không chỉ là nghĩa vụ đối với bên dịch vụ là Grab, mà còn là trách nhiệm với những thực khách và ‘bạn hàng’ của mình”, chị Phương Mai nói.
Càng nghiêm ngặt, càng giữ được lòng tin người dùng
Đầu tư cho một căn bếp chung không hề dễ dàng, nhất là khi mô hình này chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. Quy trình kiểm định hoặc các thiết kế tiêu chuẩn ATVSTP nghiêm ngặt đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu đội lên, đội ngũ nhân sự phải tăng cường. Dĩ nhiên, Grab sẽ phải giải các bài toán vận hành tương đối “khó nhằn” – đảm bảo các nhà hàng, quán ăn trong căn bếp tuân thủ “luật chơi”, giữ vững tiêu chuẩn chất lượng, an toàn cho người dùng.
Tuy nhiên, nhìn nhận thấu đáo hơn, đây là một trong những cách thức để công ty công nghệ tạo ra lợi ích tối đa cho các bên, đặc biệt là khách hàng.
GrabKitchen là mô hình căn bếp trung tâm giúp đa dạng hóa ẩm thực ở các khu vực đông dân cư, kéo gần khoảng cách của các thực khách ngoại ô đối với các hàng quán đang gây sốt. Ngồi một chỗ, đặt một đơn hàng, khách hàng có thể order món mặn, ngọt kết hợp từ 12 hàng quán.
Bạn Thanh Tâm – sinh viên ĐH Quốc tế hiện ở trọ tại ký túc xá cho biết: “Phòng bốn đứa là bốn sở thích khác nhau, mỗi lần gọi món toàn phải đặt lẻ, tốn phí ship mà thời gian chờ đợi lại lâu”. Từ ngày biết GrabKitchen mở gần làng Đại học, lại có nhiều cửa hàng vốn chỉ nằm ở trung tâm thành phố, tới giờ ăn tối cả phòng lại đặt giao món. “Vừa tiết kiệm thời gian nấu nướng, thực đơn đầy đủ cơm bún mặn ngọt trà sữa nên tháng này phòng mình đặt 6 lần rồi”, Tâm nói.
Đứng trước những bài toán vận hành phức tạp, nhưng vẫn tập trung vào lời giải là “sự hài lòng của khách hàng”, có thể thấy Grab đã chọn hướng đi bền vững cho mô hình dịch vụ mới mẻ này. “Căn bếp chung” hứa hẹn trở thành một nền tảng bùng nổ trong thời gian tới tại Việt Nam, tương tự như cách GrabBike, GrabFood len lỏi vào đời sống, đáp ứng từng nhu cầu thực tiễn của người dùng.