Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ đã quy định chi tiết thực hiện một số điều của Luật an toàn thực phẩm, trong đó có đề cập khá nhiều tới thuật ngữ GMP. GMP là một quy phạm cơ bản trong số các quy phạm kỹ thuật liên quan đến sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, đối với một số người, GMP vẫn còn là một từ ngữ xa lạ. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn rõ hơn về khái niệm này.
Giới thiệu về GMP
Khái niệm
GMP (Good Manufacturing Practice) là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất. Bao gồm những nguyên tắc chung, những quy định, hướng dẫn các nội dung cơ bản về điều kiện sản xuất; áp dụng cho các cơ sở sản xuất, gia công, đóng gói sản phẩm không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm mà còn bao gồm cả lĩnh vực dược phẩm, thiết bị y tế, mỹ phẩm …, nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và an toàn.
Phạm vi và đối tượng kiểm soát của GMP
Bao gồm nhân sự; nhà xưởng; thiết bị, vệ sinh sản xuất; vệ sinh môi trường; vệ sinh cá nhân; quá trình sản xuất gồm thao tác của công nhân; việc thực hiện các yêu cầu về nguyên vật liệu, về tiêu chuẩn sản phẩm, công thức pha chế, về điều kiện vật chất của sản xuất; đánh giá việc cung ứng của nhà cung cấp nguyên vật liệu; chất lượng sản phẩm: thử nghiệm mẫu; kiểm tra: nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm, thao tác của công nhân; đánh giá nhà cung ứng, vệ sinh…
Trong đó, GMP tập trung kiểm soát hoạt động xử lý các chất gây ô nhiễm từ người, nguyên liệu thực phẩm, bao bì, các vật liệu nguy hại, vật liệu hỗn hợp được sử dụng trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm.
Các yêu cầu được GMP đưa ra
Yêu cầu về nhân sự:
Xây dựng chuẩn mực các vị trí làm việc để tuyển dụng phù hợp về trình độ, năng lực, xây dựng quy định về kiểm tra sức khỏe (thể lực, trí lực và bệnh tật) của tất cả mọi người, đặc biệt với những công nhân sản xuất trực tiếp. Xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân.
Yêu cầu về thiết kế, xây dựng, lắp đặt nhà, xưởng và thiết bị chế biến:
Phải có quy định về vị trí đặt nhà máy, thiết kế, loại nguyên vật liệu để xây dựng nhà xưởng, thiết bị phù hợp.
Yêu cầu kiểm soát vệ sinh nhà xưởng, môi trường:
Xây dựng các quy định về xử lý nước dùng để sản xuất, xử lý nước thải, xử lý sản phẩm phụ và rác thải, bảo quản 5 hoá chất gây nguy hiểm, kiểm soát sinh vật gây hại và vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và nhà xưởng.
Yêu cầu về kiểm soát quá trình chế biến:
Cần xây dựng các quy định về phương pháp chế biến, thủ tục, hướng dẫn công việc cụ thể và các tiêu chuẩn về nguyên liệu, sản phẩm, công thức pha chế và các biện pháp kiểm tra, giám sát.
Yêu cầu về kiểm soát quá trình bảo quản và phân phối sản phẩm:
Cần đưa ra các yêu cầu về việc vận chuyển và bảo quản sao cho thành phẩm phải đảm bảo không bị nhiễm bẩn bởi các tác nhân vật lý, hoá học, vi sinh, không thay đổi chất lượng. . . và không nhầm lẫn sản phẩm, vấn đề giải quyết khiếu nại của khách hàng và thu hồi sản phẩm sai lỗi.
Tóm lại, GMP đề cập đến tất cả mọi yếu tố về cơ sở vật chất tối thiểu nhất cần phải có để đảm bảo chất lượng, vệ sinh trong chế biến thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm. Những yêu cầu của GMP có tính mở rộng và tổng quát, cho phép mỗi nhà sản xuất có thể tự quyết định về số quy định, tiêu chuẩn, thủ tục, hướng dẫn công việc sao cho đáp ứng được các yêu cầu cần thiết, phù hợp với loại hình, lĩnh vực sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất của doanh nghiệp.